Trong mạng máy tính, điểm truy cập không dây (WAP) hay nói chung là điểm truy cập (AP), là một thiết bị phần cứng mạng cho phép các thiết bị Wi-Fi khác kết nối với mạng có dây. Là một thiết bị độc lập, AP có thể có kết nối có dây với bộ định tuyến, nhưng trong bộ định tuyến không dây, nó cũng có thể là một thành phần không thể thiếu của chính bộ định tuyến.

1.Khái niệm Access Point?

Access Point (AP) hay Wireless Access Point (WAP) là một thiết bị mạng cho phép kết nối các thiết bị với mạng có dây. AP được sử dụng để tạo ra một mạng WLAN (Wireless Local Area Network), thường được sử dụng trong các văn phòng và tòa nhà lớn của các tổ chức doanh nghiệp.

2. Lịch sử phát triển của Access Point.

Năm 1970, Đại học Hawaii đã phát triển mạng không dây đầu tiên để truyền dữ liệu không dây giữa các quần đảo Hawaii. Tuy nhiên, phải đến năm 1991, Institute of Electrical and Electronics Engineers – IEEE mới bắt đầu thảo luận về việc tiêu chuẩn hóa các công nghệ WLAN. Năm 1997, IEEE đã phê chuẩn tiêu chuẩn 802.11, thuật ngữ công nghệ “802.11” chỉ đơn giản là dùng để chỉ Wi-Fi.

Vào năm 1999, mạng không dây đã được giới thiệu với công chúng như một thiết bị hữu ích với các tiêu chuẩn 802.11 a và b. Các tiêu chuẩn này có tốc độ rất thấp (tương ứng lên tới 54 Mbps & 11Mbps) nhưng vẫn có thể sử dụng tốt, vì lúc bấy giờ không có điện thoại di động nào sử dụng Wi-Fi và rất ít máy tính xách tay.

Tuy nhiên, đến năm 2003, một số thiết bị di động sử dụng Wi-Fi đã xuất hiện và máy tính xách tay trở thành phổ biến hơn với mục đích kinh doanh và cá nhân. Đó là khi tiêu chuẩn 802.11g được phê chuẩn, cung cấp tốc độ lên đến 54 Mbps với băng tần 2,4 GHz. Vào năm 2007, với sự ra đời của điện thoại thông minh thì tiêu chuẩn mới 802.11n cũng đã được áp dụng cho đến ngày nay. Chuẩn “n” mang lại tốc độ xử lý nhanh hơn lên đến 450 Mbps cho Wi-Fi và nó hỗ trợ cả thiết bị 2,4 Ghz và 5 Ghz.

3. Cách hoạt động của AP.

Trước khi đi vào cách hoạt động của AP, chúng ta cùng tìm hiểu một chút về phần cứng của AP.

Các AP được tạo thành từ CPU, bộ thu phát vô tuyến, ăng-ten và phần mềm. Các thành phần này cùng nhau tạo thành một mạng cục bộ không dây (WLAN). Mạng WLAN cho phép người dùng kết nối thiết bị của họ với mạng mà không cần sử dụng dây và cáp. Các AP ngày nay hỗ trợ nhiều chuẩn Wi-Fi khác nhau (802.11b, 802.11g / n, 802.11ac) và có thể được tích hợp vào router có dây hoặc hoạt động như độc lập được kết nối vào mạng có dây lớn hơn.

Tiếp theo ta đến cách hoạt động của AP

Đầu tiên AP sẽ được kết nối trực tiếp với router hoặc switch trong hệ thống mạng bằng cáp ethernet. Điều này cung cấp cho AP kết nối với internet và băng thông cần thiết để sử dụng. Sau đó, AP sẽ gửi và nhận tín hiệu wireless, tín hiệu này phải nằm trong dải tần 2,4Ghz hoặc 5Ghz. Tín hiệu này sẽ cho phép thiết bị bạn kết nối không dây với mạng của mình và Internet.

AP rất hữu ích khi sử dụng cho những trường hợp bạn cần kết nối internet nhưng không thể kết nối với cáp ethernet vật lý hoặc cho các mạng có nhiều thiết bị cần truy cập internet. Lắp đặt càng nhiều AP vào mạng có thể tăng khả năng kết nối nhiều thiết bị hơn như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, TV thông minh, máy tính bảng,…

4. Các mode hoạt động của Access Point.

Bạn có thể cấu hình các AP hoạt động ở các mode khác nhau để đáp ứng các yêu cầu mạng khác nhau. Sau đây là một số cấu hình phổ biến nhất mà bạn có thể sử dụng trong cài đặt doanh nghiệp.

Standalone access points: Một AP chạy độc lập được kết nối trực tiếp với mạng LAN. Bạn có thể kết nối nhiều AP vào một mạng LAN và lắp đặt chúng trong toàn bộ tòa nhà hoặc văn phòng. Bằng cách này, người dùng có thể đi từ khu vực này sang khu vực khác mà không bị mất kết nối mạng.

Repeater hoặc mesh access points: Bạn có thể cấu hình các AP để mở rộng phạm vi phủ sóng. Repeater hoặc mesh hoạt động trong như một chức năng kép để chuyển tiếp tín hiệu từ các thiết bị không dây của bạn đến một AP khác được kết nối với mạng LAN.

5. Các ưu điểm sử dụng Access Point

 Dưới đây là những lợi ích phổ biến nhất sẽ khiến bạn lựa chọn AP:

+ AP cho phép kết nối thiết yếu của các thiết bị WiFi thuộc mọi loại, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV thông minh, cảm biến IoT, v.v.

+ Bán kính hoạt động rộng của AP khiến chúng trở thành lựa chọn thay thế hoàn hảo để cung cấp kết nối trong các khu vực rộng được hình thành bởi các tòa nhà khác nhau gần nhau.

+ Khả năng mở rộng: cho phép một số lượng lớn người dùng kết nối đồng thời vào cùng một mạng mà không làm giảm trải nghiệm duyệt web.

+ Kết nối sẽ không bị gián đoạn khi người dùng trong khi di chuyển làm thay đổi điểm truy cập mà bạn đang kết nối.

+ Một số hỗ trợ công nghệ cấp nguồn qua Ethernet Plus (PoE +), cho phép các AP được cấp nguồn điện qua cáp Ethernet, do đó tiết kiệm thêm hệ thống cáp.