BẢO MẬT CƠ SỞ HẠ TẦNG PUBLIC CLOUD BẰNG CÔNG NGHỆ VIRTUAL FIREWALL

Cơ sở hạ tầng đám mây công cộng (Public Cloud) đã trở thành một phần quan trọng của hệ thống IT cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức. Sự tận dụng của Public Cloud đã mang lại nhiều lợi ích như độ linh hoạt, tiết kiệm chi phí và khả năng mở rộng, nhưng cũng mang theo các rủi ro về an ninh mạng. Trong bối cảnh này, công nghệ tường lửa ảo (Virtual Firewall) đã trở thành một công cụ quan trọng để bảo vệ cơ sở hạ tầng Public Cloud.

1.Thách thức về bảo mật trong Public Cloud

Có thể thấy môi trường Public Cloud thường được kết nối với Internet liên tục, và điều này có nghĩa là nó luôn tiềm ẩn các mối đe dọa từ Internet. Các tấn công từ bên ngoài có thể dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật. Các lỗ hổng này có thể xuất phát từ việc cấu hình sai, ứng dụng, hệ điều hành, lỗi từ người sử dụng trong việc quản lý tài nguyên, tài khoản, phân quyền ai được và không được phép truy cập vào hệ thống. Đôi khi là xuất phát từ nhân viên, người dùng của tổ chức gây ra các các sự cố bảo mật từ bên trong, cố ý hoặc vô tình, như làm rò rỉ dữ liệu hoặc thực hiện các hành vi không an toàn. Các loại tấn công DDoS (Distributed Denial of Service) là một ví dụ điển hình để làm gián đoạn dịch vụ của hệ thống, hay là các mã độc (Malware) từng khiến cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp phải đau đầu vì nó.

Ngoài ra, thì còn rất nhiều hình thức tấn công qua mạng mà chúng ta không hề biết hết được. Những loại tấn công này luôn hướng tới những mục đích xấu, khiến cho các tổ chức và doanh nghiệp mất dữ liệu quan trọng, gián đoạn hoạt động kinh doanh, tổn thất về tài chính, thất thoát uy tín. Để giảm thiểu tổn thất từ các cuộc tấn công mạng và bảo vệ môi trường đám mây công cộng của họ trở hơn an toàn hơn, thì doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp bảo mật chặt chẽ như sử dụng Virtual Firewall, chính sách đào tạo nhân viên về an ninh mạng, tuân thủ các quy định và chuẩn mực bảo mật.

2.Khái niệm về Virtual Firewall trong môi trường Public Cloud

Virtual Firewall (tường lửa ảo) là một loại tường lửa được triển khai và hoạt động trong môi trường máy chủ ảo hoặc đám mây (cloud). Nó hoạt động tương tự như tường lửa truyền thống, nhưng thay vì sử dụng phần cứng vật lý, nó sử dụng phần mềm hoặc ảo hóa để kiểm soát và giám sát lưu lượng mạng, bảo vệ mạng và hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng. Đối với việc triển khai Virtual Firewall trong môi trường Public Cloud, thì nó được triển khai và quản lý trong các dịch vụ đám mây công cộng như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Google Cloud Platform (GCP), và các nhà cung cấp đám mây khác.

3.Các đặc điểm chính của Virtual Firewall trong môi trường Public Cloud

Cân bằng khả năng mở rộng: Virtual Firewall cho phép bạn mở rộng hoặc thu nhỏ tài nguyên tường lửa dựa trên nhu cầu của bạn. Điều này giúp tối ưu hóa sự linh hoạt và khả năng mở rộng của môi trường Public Cloud mà không cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật lý.

Tự động hóa và quản lý từ xa: Virtual Firewall có thể được quản lý từ xa, điều này cho phép bạn thực hiện cấu hình, giám sát và quản lý tường lửa mà không cần tiếp cận vật lý. Điều này thích hợp cho các mô hình làm việc từ xa và đảm bảo tính hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường Cloud Computing.

Tích hợp với dịch vụ đám mây: Virtual Firewall được tích hợp chặt chẽ với dịch vụ và ứng dụng trong môi trường đám mây, giúp kiểm soát và bảo vệ các tài nguyên trong môi trường đám mây.

4.Khả năng bảo mật của Virtual Firewall trong môi trường Public Cloud

Kiểm soát truy cập: Virtual Firewall cho phép bạn xác định rõ nguồn, đích, giao thức, và cổng mạng cho từng loại truy cập. Bằng cách kiểm soát truy cập, bạn có thể giảm nguy cơ truy cập trái phép vào hệ thống bằng cách chỉ cho phép lưu lượng cần thiết đi qua.

Bảo vệ khỏi DDoS: Virtual Firewall có khả năng phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng phổ biến như tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).

Phản ứng nhanh chóng trước các sự cố: Virtual Firewall cung cấp khả năng phản ứng nhanh chóng đối với các sự cố bảo mật. Khi phát hiện sự cố, nó có thể tự động thực hiện các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn tấn công.

Bảo vệ khỏi Malware: Một số Virtual Firewall cung cấp tích hợp chức năng phát hiện và ngăn chặn malware cũng như các cuộc tấn công xâm nhập trong thời gian thực.

Bảo vệ dữ liệu và ứng dụng: Virtual Firewall giúp đảm bảo rằng dữ liệu và ứng dụng của bạn được bảo vệ khỏi các mối đe dọa trực tuyến.

Giám sát và báo cáo: Tường lửa ảo thường cung cấp khả năng giám sát và báo cáo về hoạt động mạng, giúp bạn theo dõi các sự cố bảo mật để từ đó có hướng khắc phục, xử lý.

Tách mạng và độc lập tài nguyên: Virtual Firewall cho phép bạn tách mạng và độc lập các tài nguyên trong môi trường cloud của bạn. Điều này giúp ngăn chặn sự lây lan của các vấn đề bảo mật và giúp tăng cường tính cách biệt giữa các ứng dụng và dịch vụ.

Bảo vệ ứng dụng Web: Một số Virtual Firewall cung cấp tích hợp tính năng bảo vệ ứng dụng Web (Web Application Firewall – WAF) để ngăn chặn các cuộc tấn công ứng dụng web như SQL injection, cross-site scripting (XSS) và cross-site request forgery (CSRF).