Tìm hiểu tổng quan về SIEM

1.SIEM là gì ?

SIEM (Security Information and Event Management) thông tin bảo mật và quản lý sự kiện. Đây là phần mềm nâng cao nhận thức về bảo mật của môi trường công nghệ thông tin bằng cách kết hợp quản lý thông tin bảo mật (SIM) và quản lý sự kiện bảo mật (SEM). Các giải pháp SIEM giúp tăng cường khả năng phát hiện mối đe dọa, tuân thủ, quản lý sự cố bảo mật, thông qua việc thu thập, phân tích các nguồn, dữ liệu sự kiện bảo mật lịch sử và thời gian thực, giúp phát hiện các cuộc tấn công mà không thể phát hiện được bởi các giải pháp thông thường như IDS/IPS, Firewall,…

Khả năng chính của SIEM là cung cấp một loạt các thu thập, quản lý sự kiện, nhật ký, tăng khả năng phân tích các sự kiện, nhật ký, dữ liệu khác trên các nguồn khác nhau và khả năng hoạt động bao gồm quản lý sự cố, bảng điều khiển và báo cáo. SIEM cũng cung cấp tính năng tổng hợp dữ liệu trên toàn bộ mạng doanh nghiệp và chuẩn hóa dữ liệu đó, để phân tích thêm. Ngoài ra, SIEM còn giúp kích hoạt tính năng giám sát bảo mật, giám sát hoạt động của người dùng và tuân thủ.

Tóm lại, SIEM cung cấp cho các tổ chức khả năng quan sát hoạt động trong mạng của họ để họ có thể phát hiện, phân tích, ứng phó nhanh chóng với các cuộc tấn công qua mạng tiềm ẩn và đáp ứng các yêu cầu tuân thủ trước khi chúng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Cần hiểu rằng SIEM không thay thế các sản phẩm kiểm soát an ninh phát hiện tấn công như hệ thống ngăn chặn xâm nhập IPS, công nghệ tường lửa và phần mềm diệt virus. Một SIEM độc lập không có tác dụng gì ngoài theo dõi các sự kiện an ninh đang diễn ra. SIEM được thiết kế để sử dụng các dữ liệu nhật ký được ghi lại bởi các phần mềm khác nhau từ đó phân tích tương quan và đưa ra các cảnh báo.

Trong thập kỷ qua, công nghệ SIEM đã phát triển để giúp việc phát hiện mối đe dọa và ứng phó với sự cố trở nên thông minh hơn và nhanh chóng hơn nhờ có trí tuệ nhân tạo.

2.Chức năng của SIEM

  • Quản lý tập trung: Thu thập, lưu trữ, tập trung dữ liệu log và sự kiện từ tất cả các thiết bị trên một giao diện đơn giản. Mỗi thiết bị đầu cuối cần có hệ thống ghi lại sự kiện an ninh và thường xuyên truyền dữ liệu nhật ký (log) này về máy chủ SIEM. Một máy chủ SIEM nhận dữ liệu nhật ký từ rất nhiều thiết bị khác nhau và sau đó sẽ thực hiện thống kê, phân tích, báo cáo để tạo ra một báo cáo duy nhất cho thấy sự tương quan giữa các sự kiện an ninh của các thiết bị. Từ đó, giúp quản trị viên có được cái nhìn toàn diện về những gì đang xảy ra trong hệ thống.
  • Giám sát an toàn mạng: Phân tích thông tin qua các thuật toán, dự đoán các sự cố bảo mật giúp các bộ phận liên quan chủ động hơn trong công việc. Nó phát hiện ra các sự cố mà các thiết bị thông thường không phát hiện được. Bằng cách thu thập sự kiện của toàn tổ chức, SIEM có thể thấy được nhiều phần khác nhau của các cuộc tấn công thông qua nhiều thiết bị và sau đó tái cấu trúc lại chuỗi sự kiện và xác định cuộc tấn công ban đầu là gì và nó đã thành công hay chưa. Nói theo cách khác, một SIEM có thể kiểm tra dữ liệu nhật ký của tất cả sự kiện này và xác định máy chủ mục tiêu đó đã bị nhiễm mã độc, tấn công thành công hay chưa, từ đó có thể thực hiện cách li chúng ra một mạng riêng và xử lí cuộc tấn công.
  • Xử lý sự cố hiệu quả: Đưa ra cảnh báo khi có xâm nhập trái phép để kịp thời xử lý và khắc phục sự cố nhanh nhất. Từ đó, có thể tiết kiệm đáng kể thời gian và nguồn nhân lực cho các nhân viên xử lý sự cố. Đồng thời cho phép xác định nhanh chóng tất cả các thiết bị đầu cuối bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công, cung cấp cơ chế tự động nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra và cách ly các thiết bị đầu cuối đã bị xâm hại.

Mỗi bộ phận đều có chức năng và nhiệm vụ riêng biệt. Khi kết hợp hoạt động cùng lúc sẽ tạo nên giải pháp SIEM hoàn chỉnh, làm việc hiệu quả.

3.Tính năng của SIEM

  • Bảo mật dữ liệu, toàn vẹn dữ liệu.
  • Tính khả dụng, sẵn sàng cao.
  • Tích hợp báo cáo tiêu chuẩn hoặc tùy chỉnh theo yêu cầu của doanh nghiệp.
  • Hỗ trợ thu thập thông tin từ nhiều nguồn.
  • Khả năng phân tích chuyên sâu theo thời gian thực đưa ra cảnh báo kịp thời và chính xác, rút ngắn thời gian phát hiện và xử lý sự cố.
  • Kết hợp khả năng phản ứng nhanh với các loại hình tấn công hay vi phạm chính sách hoặc các tuân thủ.
  • Nhận dạng các mối đe dọa tiềm ẩn.
  • Giám sát người dùng, ứng dụng, thiết bị để giúp giảm thiểu rủi ro trên mạng hơn.

4.Cách SIEM hoạt động

Chức năng cốt lõi của SIEM là phát hiện mối đe dọa và quản lý mối đe dọa. SIEM hỗ trợ khả năng ứng phó sự cố cho trung tâm điều hành an ninh (SOC – Security Operation Center), bao gồm phát hiện các mối đe dọa, điều tra, săn lùng cũng như các hoạt động ứng phó và khắc phục. SIEM thu thập và kết hợp dữ liệu từ các nguồn sự kiện trên khuôn khổ bảo mật và công nghệ thông tin của tổ chức, bao gồm hệ thống máy chủ lưu trữ, mạng, tường lửa và thiết bị bảo mật chống vi rút. Nó thực hiện phân tích dữ liệu được thu thập trên các đầu cuối, mạng, đám mây, dựa trên các quy tắc bảo mật và phân tích nâng cao, để xác định các vấn đề bảo mật tiềm ẩn trong doanh nghiệp.

Khi một sự cố hoặc sự kiện được xác định, phân tích và phân loại, thì SIEM cung cấp các báo cáo và thông báo cho các bên liên quan trong tổ chức. Ngoài ra, SIEM giúp đáp ứng các yêu cầu tuân thủ quy định, bằng cách cung cấp cho cái nhìn về tình trạng tuân thủ tổ chức của họ, thông qua khả năng giám sát và báo cáo liên tục.

Tóm lại, các công cụ SIEM thu thập, tổng hợp và phân tích khối lượng dữ liệu từ các ứng dụng, thiết bị, máy chủ và người dùng của tổ chức theo thời gian thực để các nhóm bảo mật có thể phát hiện và chặn các cuộc tấn công. Các công cụ SIEM sử dụng quy tắc được xác định trước để giúp các nhóm bảo mật xác định mối đe dọa và tạo ra cảnh báo.

5.Các phương pháp của SIEM

Thiết lập phạm vi của bạn:  Xác định được phạm vi triển khai SIEM của bạn, xây dựng các quy tắc dựa trên chính sách, xác định các hoạt động và ghi nhật ký mà phần mềm SIEM sẽ giám sát. Sử dụng chính sách đó và so sánh các quy tắc của nó với các yêu cầu tuân thủ bên ngoài, để xác định điều cần thiết để báo cáo, mà tổ chức của bạn yêu cầu.       

Quy tắc: Phần mềm SIEM trình bày bộ quy tắc tương quan được cấu hình trước của riêng nó. Nhóm bảo mật của bạn có thể tinh chỉnh phần mềm theo nhu cầu của tổ chức bạn, bằng cách bật mọi thứ theo mặc định, quan sát hành vi và xác định các cơ hội điều chỉnh, để tăng hiệu quả phát hiện và giảm khai báo giả.

Xác định các yêu cầu tuân thủ: Việc đáp ứng các yêu cầu tuân thủ là một lợi ích quan trọng đối với hầu hết các tổ chức khi sử dụng SIEM. Một tổ chức nên phân tích khả năng của phần mềm, thực hiện tuân thủ cụ thể theo yêu cầu, đáp ứng các yêu cầu đánh giá của tổ chức.

Giám sát quyền truy cập vào tài nguyên quan trọng: Một công cụ SIEM phải giám sát các khía cạnh khác nhau của tài nguyên, bao gồm địa chỉ đặc quyền và mô hình quản trị, hành vi bất thường của người dùng trên hệ thống, đăng nhập từ xa và lỗi hệ thống.

Bảo vệ ranh giới mạng: Tất cả các khu vực dễ bị tấn công trên mạng phải được giám sát bởi SIEM, bao gồm tường lửa, bộ định tuyến, cổng và điểm truy cập không dây.

Kiểm tra SIEM của bạn: Các chỉ số cảnh báo quan trọng và cấu hình SIEM được tạo ra, khi tiến hành chạy thử nghiệm triển khai SIEM và đánh giá cách nó phản ứng.

Thực hiện kế hoạch ứng phó: Sự cố an ninh chỉ có thể được xử lý kịp thời thông qua việc sử dụng một kế hoạch ứng phó sự cố. Các tổ chức nên lập kế hoạch, cách nó sẽ cảnh báo cho nhân  viên sau khi có cảnh báo SIEM.